22.11.11

Lói giọng miền Nam, đi toilet cũng bị… ‘chém’

"Lời bạt:  mình sưu tầm bài này không phải nói xấu dân HN đâu nhé, người HN cũng như người SG, dân gốc thì ít thôi, nhưng người nhập cư thì cũng đều là người Việt mình cả, chỉ coi như đây là câu chuyện vui và cái đáng lên án là những thái độ xấu như bài viết đã nêu cần phải treo cổ hết các cái thói xấu đó, bất cứ đâu (mở ngoặc: nếu có thể được), mình thấy ở SG hay Miền Tây cũng có chứ không phải là không, nhưng mật độ thì ít hơn nhiều nhiều lắm so với dân Thủ Đô
  Bị phân biệt đối xử, hay nói cách khác là bị bắt nạt, bán giá cắt cổ, “chặt chém” chỉ vì cái tội… “nói giọng miền Nam” là nỗi ám ảnh đáng sợ nhất của các du khách mỗi khi đặt chân đến Hà Nội.

Nghe giọng Nam là “chém”

Không biết tự bao giờ Hà Nội đã được các du khách ngoại tỉnh, đặc biệt là người miền Nam đặt cho cái tên “miền đất dữ” hay “đất ớn”. Không ít người dù rất muốn đến thăm Hà Nội đã quyết định hoãn vô thời hạn ý định này khi được người khác kể cho nghe những kinh nghiệm “xương máu” về thủ đô.
Vây kín, chèo kéo, bắt chẹt du khách ở Hà Nội khiến nhiều người "một đi không trở lại". (Ảnh minh họa)
Chị Nguyễn Bích P - công tác trong ngành truyền thông ở Bình Thuận là một trong những người có nhiều kỷ niệm “đau” nhất. “Nhiều bạn bè của tôi nhắc nhau ra Hà Nội thì không nên mua gì, vì từng chứng kiến việc người bán cứ thấy khách nói tiếng miền Nam là nói thách và tìm cách lập lờ bán giá cao hơn. Có lần tôi vô chợ Đồng Xuân mua một cái áo, thấy chị bán hàng xởi lởi và tôi mua luôn một cái áo giá gần 400 nghìn, sau mang về mới biết giá người Hà Nội mua ngay gần đó chiếc tương tự nhưng giá chỉ bằng một nửa”, chị P kể.

Nhưng có lẽ kỷ niệm mua chiếc áo đắt gấp đôi chỉ vì nói giọng miền Nam của chị P chưa bi hài bằng câu chuyện “đi vệ sinh cũng bị tính giá khác” của bạn chị: “Đi ăn phở mà nói giọng Nam thì cũng thường bị tính đắt hơn 10.000 đồng/bát. Có lần tôi đi uống cà phê vỉa hè, lúc đứng dậy cũng bị tính 50.000 đồng/ly, trong khi để ý người bên cạnh uống ly cà phê y chang thì chỉ bị tính có 10 – 15.000 đồng.

Thậm chí có lần tôi vô vệ sinh công cộng, lúc quay ra cũng bị người ta đòi 5.000 đồng, trong khi những người không nói giọng Nam thì tính chỉ 2.000 đồng. Tức quá, quay ra chất vấn thì người thu tiền nói tỉnh queo: "À, tại chị đi lâu hơn"… Thật không thể hiểu được!”.

“Bạn tôi ở Sài Gòn ra chơi, có lần đi chơi chỉ chừng 12km (sau này mới biết), thế mà bị anh taxi cho đi loanh quanh hơn tiếng đồng hồ, lúc tính tiền thành ra hơn 500 nghìn. Từ đó chị ấy khiếp vía, rất sợ đi taxi ở Hà Nội”
, chị P kể tiếp.

Hẳn nhiều người còn nhớ những câu chuyện rất “nổi tiếng” về dịch vụ taxi của Hà Nội mà hầu hết “nạn nhân” là những người từ nơi khác đến, không thông thạo đường phố thủ đô như chuyện một du khách TP.HCM phải trả hơn 800 ngàn cho chuyến xe từ đường Đại Cồ Việt về Bờ Hồ.

Mới đây nhất là trường hợp một đại biểu tham dự Đại hội đồng cảnh sát quốc tế (Interpol) đã phải trả 200 USD và 100 đô la Singapore cho quãng đường chưa đầy 10km từ phố Phan Bội Châu về Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình.
Không ít du khách bức xúc vì bị bắt chẹt do "nói giọng Nam". (Ảnh minh họa)
“Tôi không hiểu vì sao một số người bán hàng Hà Nội lại có thể làm như thế? Lấy tiền của một vài người khách lạ thêm chục ngàn đâu có khiến họ giàu lên chút nào nhưng hậu quả thì vô cùng lớn. Người ta sẽ kể cho tất cả bạn bè, họ hàng về những tai nạn này và kết quả là cả thủ đô Hà Nội bị tiếng xấu”, anh Huỳnh Văn Khánh – một du khách Cần Thơ than thở.

Anh Khánh than với người viết bài này khi đang ngồi bên bờ hồ Hoàn Kiếm và vừa phải trả 15 ngàn đồng cho một ly nước mía ở gần đó: “Trước khi ra Hà Nội, một số bạn bè tôi đã cảnh báo và tôi cũng đã rất cảnh giác nhưng rồi cuối cùng vẫn “bị” như thường. Người bán hàng giải thích rằng vì ly nước của tôi lớn hơn nhưng thực tế thì không có gì khác. Có lẽ tôi phải trả nhiều tiền hơn vì đã lỡ nói giọng Nam”.

Chậm, kém và chộp giật

“Tiếng xấu” mà anh Khánh nói không phải bây giờ mới có mà nó đã được những người đã đi Hà Nội loan truyền khá rộng rãi từ lâu nay.

Chị Nguyễn Thị L. – cán bộ của Chi cục Thuế Tân Bình (TP.HCM) cho biết, trong chuyến đi tập huấn kết hợp du lịch Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua, vợ chồng chị đã phải đề phòng bằng cách đặt tour của một công ty lữ hành lớn với giá đắt hơn khá nhiều so với các công ty khác với hy vọng rằng chất lượng dịch vụ sẽ tốt hơn.

Nhưng khi chuyến đi đã khởi hành, vợ chồng chị mới phát hiện ra rằng mình đã bị “bán lại” cho một đơn vị tổ chức tour vô danh nào đó của tư nhân. “Ở trong Nam, chúng tôi hoàn toàn không có tình trạng này, đăng ký mua tour của Saigon Tourist là được đi đúng tour của Saigon Tourist, không bao giờ bị ghép sang tour du lịch của các đơn vị khác”, chị L. phản ánh.

Với một công ty lớn mà chất lượng phục vụ còn như vậy thì sẽ chẳng có gì quá lạ khi những người bán hàng ngoài chợ “ghê gớm và ngoa ngoắt” với khách tỉnh lẻ, khách từ vùng miền khác. “Bữa đi chợ Đồng Xuân hôm vừa rồi, giữa lúc chúng tôi đang xem và lựa đồ, chưa kịp hỏi giá của món đồ đã bị người bán hàng giật lại không cho lựa với lý do… lựa chọn lâu la”, chị L kể và khẳng định: “Ở trong Nam, chúng tôi không bao giờ bị gặp cung cách phục vụ như vậy”.
Tình trạng đường phố bẩn thỉu, rác rưởi và lối giao thông
Tình trạng đường phố bẩn thỉu, rác rưởi và lối giao thông "không giống ai" cũng làm Hà Nội mất điểm trầm trọng.
Sự kém trong các dịch vụ du lịch của Hà Nội còn thể hiện ở thói quen hay bắt chẹt khách.

Theo chị Nguyễn Bích P (Bình Thuận), một “kỷ niệm buồn” ở Hà Nội gắn với một địa chỉ nổi tiếng. “Có vẻ như nhiều hàng quán ở Hà Nội bán hàng hơi kiêu căng. Có lần tôi vô quán Chả cá Lã Vọng nổi tiếng trên phố Chả Cá. Đi cùng nhóm bạn 6 người, nhưng chúng tôi chỉ gọi 5 suất vì trong nhóm có một người ăn chay chỉ đi chung cho vui. Thế nhưng người phục vụ nói 6 người phải lấy đủ 6 suất, lấy 5 suất không bán. Trao đi đổi lại mãi người ta vẫn nhất quyết không bán 5 suất”.

Đáng buồn là hầu hết các du khách ngoại tỉnh đến Hà Nội đều đã từng phải gánh chịu chất lượng dịch vụ kém của thủ đô với những nhận xét rất giống nhau rằng: Dịch vụ gì của Hà Nội cũng chậm, thái độ phục vụ của nhân viên kênh kiệu, hách dịch thậm chí là “khinh người” kiểu như “ăn bát phở mà gọi khản cổ không được, xin thêm miếng chanh thì bị lườm cháy mặt”.

Ra Hà Nội 2 tuần, đến giờ nói thật là tôi và chồng tôi đều đã cảm thấy rất “ớn” vì dịch vụ và cung cách phục vụ của những người làm trong ngành dịch vụ, phục vụ ở Thủ đô”, vợ chồng chị L. cho biết.

Những tiếng xấu này của Hà Nội bao giờ mới được gột rửa hết?

Theo Khánh Phong
Infonet (st: hcm.megafun.vn)

CÒN Ý KIẾN CỦA CÁC BẠN THÌ SAO???
===================================
còm:

Trần Vương Khôi viết:
;
Tôi là người Sài gòn ra thăm thủ đô yêu dấu lần đầu nên thấy cái gì cũng lạ , đang lang thang ngắm cảnh bờ hồ Hoàn kiếm thì tôi được một người đàn ông lịch lãm tóc hoa râm người Hà Nội ngỏ ý xin tí lửa để hút thuốc một cách rất lễ phép , tôi liền cung kính đưa cái hộp quẹt ga cho ông ta mượn , đốt thuốc xong người lịch lãm đó không quên cám ơn và khen cái hộp quẹt của tôi rất đẹp và xin phép tôi được khắc lên cái hộp quẹt đó một hình ảnh để lưu niệm. Hình khắc rất đẹp và sắc xảo, tôi thật sự khoan khoái và sung sướng được người Hà Nội hiếu khách thể hiện lòng trìu mến đối xử với du khách miền nam ra thăm, dĩ nhiên tôi cũng tỏ ra lịch lãm gởi lời cám ơn và không quên biếu vị hiếu khách ấy 20.000đ uống ...trà đá
Nhưng người lịch lãm ấy không lấy và nói với tôi là 200.000đ cho mỗi tác phẩm mà ông ta mỗi lần ...buộc để lại trên vật dụng của khách du lịch , tôi phản ứng thì "bỗng dưng muốn khóc" vì ở đâu xuất hiện thật nhiều gương mặt trợ giúp người Hà Nội kia với ánh mắt "mang hình viên đạn" thế là tôi...huhu - chưa hết các bạn ạ...

Andy viết:
;
Nói thật lúc trước tôi từng ước ao một lần được đến Hà Nội, nhưng tất cả những câu chuyện của người thân bạn bè và đồng nghiệp về Hà Nội làm tôi thay đổi ý định đó hoàn toàn. Mười người thì cả mười đều có ấn tượng không tốt về thái độ phục vụ, xử sự của dân thủ đô. Còn đâu nét đẹp văn minh của một thủ đô, ấn tượng của tất cả mọi người từng đến Hà Nội du lịch là dịch vụ yếu kém, thái độ khinh người hách dịch.

daubac viết:
;
Cái này là do bạn không chịu khó hỏi giá trước, để đến lúc tính tiền thì bạn bị chém là đúng rồi, mà không chỉ ở Hà Nội thôi đâu, nhiều khi ở chính Sài Gòn bạn cũng có thể bị chém đẹp à, chỉ cần họ thấy bạn có vẻ không sống ở đó hay là đi du lịch là họ ra tay thôi. Còn nếu như mà bạn nói người Hà Nội riêng như vậy thì chẳng khác nào phân biệt Bắc Nam.

HKP viết:
;
Bạn bè tôi cũng có nói với tôi rằng người Hà Nội rất bất lịch sự vì họ là người miền nam, nếu không muốn có sự cố gì thì phải giả giọng miền Bắc. Miền miền Bắc ghét người miền Nam đến thế sao? Người miền Bắc khi vào trong Nam chúng tôi đâu có đối xử với họ như thế. Tôi làm trong ngành du lịch, Các du khách Tây nói họ không thích Hà Nôi cho lắm, ở TP.HCM tuy ít điểm du lịch nhưng họ thích ở đây hơn.

Dương Văn Minh viết:
;
Ở đâu cũng thế thôi . Mình là người miền đông nam bộ, nhiều lần dẫn anh em đi phượt dưới miền tây đều bị chém đẹp nữa là. Mỗi khi đi ăn, uống nước, sửa xe đều bị tính giá gấp đôi. Mặc dù sống ở SG nhưng khi xuống miền tây vẫn thấy giá sốc quá. Khi vô quán hỏi giá trước còn đỡ. Ví dụ một lần mình ăn bún ở Sóc Trăng, bàn bên cạnh người địa phương họ tính 15k/tô, tới tụi mình 40k/tô, cãi với họ thì... blabla...

Tran Minh viết:
;
Rất đúng, mình đi công tác HN 2 tuần, vào ăn cơm bụi món tự chọn, mình chọn món giống người bên cạnh mình nhưng bị chém chênh lệch với người bên cạnh 15 nghìn ... 2 lần sau cũng thế. Thật pó tay!

Trương Anh Hùng viết:
;
Năm vừa rồi tôi và gia đình có tổ chức về thăm quê mẹ tôi ở Hà Nội, bà xã tôi hay bị đau đầu thấy ngay cổng nhà ông chú có tiệm thuốc tây chạy sang mua đỡ 1 liều cho bà xã uống đỡ. Chắc cũng tại nói giọng miền nam nên bị ông chủ tiệm chém 50 ngàn đồng 1 liều thuốc, chả hiểu sau họ ghét dân miền nam thế nhỉ?

receptor_like viết:
;
Tôi là người miền Bắc, tôi rất yêu con người cùng với miền đất này, nhưng cái lối sống của những kẻ như thế thì không thể nào chấp nhận được. Thật xấu hổ! Giờ thì hiểu tại sao có một số người miền Nam lại không thích người miền Bắc.

Minh Triet viết:
;
Đến bơm vá còn chặt chém nói chi là tiểu thương. Có lần tôi được một ông thầy người Hà Nội gốc đấy, nhưng vì công tác nên thầy vào Nam nghiên cứu, vì vào Nam nên cũng quen với một số từ ngữ trong Nam nên trong một lần về quê thầy lên con Dream chạy một vòng cho thỏa nổi nhớ nhà, chẳng may xe bị thủng lốp, thế là thầy dắt xe vào một tiệm bơm vá, thầy bảo là "anh ơi vá dùm tôi cái lốp xe", thế là xong việc thầy phải trả 20.000đ tiền vá lốp. Thầy vẫn vui vẻ trả vì nghĩ là có lẽ xa quê lâu quá(3 năm) nên bây giờ đã thế rồi. Về nhà thầy thắc mắc hỏi lại người chị ruột thì người chị hỏi là khi vào vá thầy nói thế nào thì thầy thuật lại và người chị trả lời ngay là vì cậu nói thế nên bị họ chặt rồi, vì chỉ có người trong Nam mới nói "vá dùm" chứ nói là "vá hộ" thì chỉ mất 5000đ thôi.

Hoàng viết:
;
Bài viết rất thực tế. Mình ra Hà Nội 1 lần và cũng gặp khá nhiều trường hợp nêu ra trong bài viết: trong quán ăn, cửa hàng lưu niệm, xe ôm...
Nếu so thái độ phục vụ của người bán với khách hàng giữa Hà Nội và Sài Gòn thì quả thật khác chênh lệch rất nhiều. Buồn cho Thủ Đô.

Thanh viết:
;
Sợ nhất bị chửi như hát hay khi mà... vô tình nhìn hàng mà không mua. Đến HN không biết di chuyển bằng phương tiện gì? Xe ôm thì chạy lòng vòng lấy tiền thêm, taxi thì khỏi nói đến đại biểu dự Interpol còn bị dính chưởng thì ... chúng ta là cái thá gì, xe bus phải học cách quỳ gối để xin xuống xe. Nhắc tới HN là người miền Nam lại ngán ngẩm.

Izumaki Ushashi viết:
;
Phcnd chắc là dân Hà Nội. Tôi nói thật HN hay TPHCM hay các tỉnh khác cũng đều là dân Việt Nam cả, vấn đề này đến bây giờ mới đưa ra thì e hơi muộn. Có 1 lần ra HN chơi, rõ ràng mình cũng chỉ kêu 1 tô phở như bao người thế mà lát tính tiền thì giá gấp đôi người bên cạnh, hỏi ra thì chỉ được 1 câu trả lời chung chung là "tô bác, tô đặc biệt " mà trong khi đó mình thấy tô mình với tô người bên cạnh chẳng khác gì. Uống cafe cũng mắc hơn người ta như bài viết đã đề cập. Haizz...

GauM3o viết:
;
Không phải là Bắc hay Nam, mà là do chủ thể cá nhân mà thôi, các bạn đừng đổ oan cho "người Hà Nội". Vì thực chất dân gốc HN còn mấy đâu, ở các khu chợ, nơi bán hàng hầu hết là các dân ở nơi khác đến. Nếu muốn hiểu thì cứ tết âm lịch các bạn về HN thì xem HN còn bao nhiêu % dân. :D

HuyRD viết:
;
Mình ra HN dịp kỷ niệm Thăng Long 1000 năm. Do ra lần đầu, không biết đường, mình hỏi anh xe ôm đường Phạm Hùng ở đâu, anh ta nói trả tớ 50.000 tớ dẫn đi, mình cũng chịu, nhưng chỉ đi thẳng khoảng 300m gặp 1 ngã tư là ngay đường Phạm Hùng! Ấn tượng vừa đặt chân vào HN là như thế! Trong khi ở TP HCM, người dân chỉ đường rất nhiệt tình! Sợ HN!

Suki viết:
;
Mình công nhận là chất lượng dịch vụ ở Hà Nội còn kém nhưng không vì thế mà đổ lỗi cho người Hà Nội được, bởi đâu phải cứ ở Hà Nội thì là người Hà Nội. Nói thật mình sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng số người Hà Nội gốc mà mình gặp chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi.

Dangnguyen viết:
;
Xin thưa đó là lỗi ở nhà quản lý, đành rằng bị chặt chém trên đất Hà thành nhưng đều là người ngoại tỉnh, lao động nhập cư chặt chém các vị khách từ xa cả thôi, cuộc sống là vậy. Họ sẽ cười vài ngày và kể với nhiều người khác khi đã ngày hôm nay họ đã chặt được mấy "con gà"...

Shin viết:
;
Dân HN tiền để đầy trong nhà đấy, còn hơn miền Nam, nhưng cái kiểu làm ăn đó thành thói rồi, cứ lấy được thêm đồng nào là phải lấy cho bằng được. Nên sắp ra HN nhưng mà mình chỉ muốn ở khách sạn cho yên.

Nhan viết:
;
"Xin thêm miếng chanh thì bị lườm cháy mặt", mình thích nhất câu này. Tôi chưa ra HN bao giờ nhưng mẹ tôi thì có. Chỉ 1 lần đi duy nhất đã để lại cho bà ác cảm Sâu sắc đối với HN và con người HN. Bà kể trong 1 lần công tác ra HN, bà có hỏi đường mấy người xe ôm ở HN, họ khẳng khái đáp: -"Xin bao thuốc đê". - "Bao thuốc là bao nhiêu bác?". - "10 đồng". Mẹ tôi ắm ức nhưng bóp bụng mà chịu vì mấy người gần đó cũng vậy. Khi về đến TPHCM, dù biết đường nhưng mẹ tôi vẫn hỏi một bác xe ôm và được câu trả lời rất chính xác và nhiệt tình. Mẹ tôi phá lên cười nói với mọi người chung đoàn xe: "Mọi người thấy không, dân miền Nam chúng ta đó!".

Trần Mạnh viết:
;
Đúng như mọi người nói. Tôi cũng ở HN nhiều năm rồi nhưng thật sự là đi đâu làm gì cũng phải tinh, không là bị lừa ngay. Nhiều người bạn của tôi ra HN chơi mà nhiều khi nghe họ kể lại mà thấy mất mặt quá. Haizz...

Nhật Quang viết:
;
Người Hà Nội và dân sống ở Hà Nội rất khác nhau nhé. Văn hóa người Hà Nội không bao giờ như vậy, đừng đánh đồng mà mất đi hình ảnh người Hà Nội.

Vương Lợi viết:
;
Trời đất ơi! Đau lòng quá vì cùng dòng máu người Việt mà, sao có thể như vậy được. Cả đời tôi sống từ nhỏ tới giờ ở miền Nam và vẫn hay hy vọng dành dụm tiền sau này đi Hà Nội chơi cho biết Thủ đô với người ta. Giờ nghe chuyện này sao lòng tui thấy xót xa quá! Ơi những con người Việt Nam kia ơi! Vỡ mộng là chuyện nhỏ nhưng thật sự rất đau lòng!!!

Hosihoaivu viết:
;
Việc này đã được nói khá nhiều mà chẳng thấy thay đổi chút nào. Bởi vậy có người nào miền Nam ra Bắc làm ăn đâu, chỉ thấy người miền Bắc vào Nam thôi à. Ai cũng nói người Hà Nội hiếu khách nhưng thực ra chẳng phải vậy...

Hoàng Yến Nhi viết:
;
Người trong một nước thì thương nhau cùng. Không vào mạng thì thôi, vào thì thấy rộng lớn thật. Mới hôm nào thì tự hào khi thấy CNN nói tốt về Thủ đô, hôm khác lại thấy du khách nước ngoài bị "chém đẹp". Nay lại thấy các cô, các chú Miền Nam nói về Hà Nội: Trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước.

Luk Lak viết:
;
Đồng ý với bạn Phucnd. Người HN không đến nỗi vậy đâu, toàn ngoại lai làm mất đi vẻ thanh lịch HN. Bát nháo quá! Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là nghèo, học vấn thấp. Làm sao mà văn minh được?

Hiền.Phạm viết:
;
Người miền Nam họ thật hơn nhiều! Chả cứ gì dân thủ đô, những tỉnh thành phố khác mà chỗ nào tấp nập y như rằng thấy khách vãng lai là chặt đẹp thôi (điển hình như Hạ Long,Tuần Châu, Đồ Sơn...). Tiêu chí là "lạ = chặt"! Haizzz....

Hiền viết:
;
Mình ghét nhất là những nhân viên kênh kiệu, hách dịch. Có một lần ăn phở Hà Nội, nhìn mặt mấy nhân viên là nuốt không được, lần đầu cũng như lần cuối! X(

Donkey viết:
;
Bây giờ làm gì có người Hà Nội gốc mấy đâu. Các hàng quán kinh doanh đều là người ngoại tỉnh cả, những phản ánh như trên là hoàn toàn đúng. Khinh người không chịu được.

Kool viết:
;
Ôi giời, tôi vào Nam thì người trong đó nghe giọng Bắc cũng chém nè... Trà đá free họ tính 1k/1 cốc, rau cho không mà họ tính 5k/1 đĩa (vừa về HN hôm 20/11). Ở đâu trả thế. Người miền Bắc hay miền Nam cũng vậy thôi.

Pham Mi Tu viết:
;
Mình đi công tác hơn một năm rồi trong TPHCM thì mình cũng nhận thấy rằng trong Nam con người sống khác, sống và làm chuyên nghiệp hơn người Bắc. Phải công nhận thật là thế. Ở Hà Nội, ngay cả người Bắc nhiều khi còn bị chém đẹp huống chi người nói khác như miền Trung hay miền Nam.

Ghostdragon viết:
;
Nhớ hồi lần đầu tiên chuyển công tác ra HN làm, đi taxi từ bến xe Nước Ngầm sang Kim Đồng quận Hoàng Mai, đoạn đường chỉ 2km mà mình phải trả tiền taxi gần 300k. Thì ra taxi đi đường vòng, đi đường vành đai 3 rồi rẽ sang Lĩnh Nam rồi về lại Kim Đồng, kakaka. Rồi lần đầu tiên uống cafe ở quán 25 Kim Đồng thì 1 ly cafe có giá gần 50k chỉ vì giọng miền Nam. Sau này làm ở HN, uống được vài lần với khách hàng thì mua cafe và sữa về nhà tự chế uống, cuối cùng anh chủ quán cao ráo đẹp trai thấy mình ở lâu quá nên bán với giá 25k/ly trong khi những người ở đó chỉ trả 10k. Cũng may 1 tháng mình uống 1 lần, kakaka. Còn nhiều chuyện lắm kể không hết đâu.

Kem mùa đông viết:
;
Hèn gì mí bạn người Bắc của mình cứ hỏi "Trong Nam họ ghét người Bắc lắm cậu nhỉ"???!!! Và bây giờ mình đã hiểu tại sao. >.< Nhưng người trong Nam mình thấy đối xử với ai và miền nào cũng như nhau. ^^ Có lẽ do cách sống và nhận thức mỗi người, mỗi miền khác nhau là vậy!

Hoàng Minh Mỹ viết:
;
Đó là số ít nhưng không thể phủ nhận người dân Hà Nội bây giờ sống nhiều khi có vẻ "chộp giật" và đi sau so với các thành phố trong Nam, phong các làm việc không chuyên nghiệp và đặc biệt là bệnh lười.

phucnd viết:
;
Một vài con sâu làm rầu nồi canh! Nhưng mọi người cũng nên khách quan một chút vì bây giờ ở Hà Nội không phải chỉ có người Hà Nội ở và kinh doanh. Mà là bao gồm người dân các tỉnh đổ về Hà Nội sinh sống nữa. Nên không được đổ mọi trách nhiệm cho người Hà Nội được.

Yoshikuni Shun viết:
;
Người Nam mà muốn ra Bắc, hay Hà Nội du lịch thì phải có bạn bè, người thân là người bản địa thì mới không bị chặt chém. Kinh nghiệm bản thân mình đi Hà Nội công tác vài lần thì biết là đi 1 mình hoặc nói giọng Nam thì bị đối xử rất tệ. Ăn uống, mua sắm, dịch vụ đều bị chặt chém đẹp lắm. Như có lần ra quán cafe uống, "người Hà Nội" chỉ 10,000/ly, riêng "anh trai miền Nam" thì phải trả 25,000/ly vì giọng miền Nam. Ăn tô bún, bị tính mắc gấp 3 lần, vì là "anh trai miền Nam". Và còn nhiều nhiều điều khác nữa...

Nguyễn Thị Thanh Nhàn viết:
;
Xấu hổ quá! Tôi vào Miền Nam người Miền Nam họ cư xử với người Bắc tốt lắm mà. Hãy dừng ngay cách cư xử đó lại, hỡi người Hà Nội!

Tony Poha viết:
;
Bó tay, người miền Bắc chắc nghĩ người miền Nam là khách ngoại quốc hay sao mà tha hồ chặt chém. Dân miền Nam giàu hơn dân miền Bắc nhiều!?

Vân viết:
;
Đọc xong nản! Mình là người miền Bắc nhưng mình quý người miền Nam lắm! Mình mà gặp trường hợp này chắc chắn sẽ phải nói chuyện với người bán hàng kia cho ra lẽ!

1 nhận xét:

  1. Thấy người trong miền nam ra Thủ đô thì như là hổ thấy mồi ngon, họ luôn tìm cách để ... xẽ thịt.... haaaa nghĩ cũng lạ... văn hóa thủ đô "ngàn năm văn hiến" là vậy sao ????

    Trả lờiXóa

Related Posts Plugin for WordPress, Blogger...